Cấp nước sạch, trao quyền cho phụ nữ và những dấu ấn của Ekocenter tại Việt Nam

14-02-2020

Lạ lẫm, e dè là cảm xúc của người dân khi lần đầu thấy mô hình Ekocenter. Sau 5 năm triển khai tại Việt Nam, Coca‑Cola đã biến lạ thành quen, mở rộng mạng lưới lên 12 trung tâm vào cuối năm 2019 và viết nên nhiều câu chuyện đậm tính nhân văn.

Với nhiều vùng sâu vùng xa, khái niệm nước sạch, Internet hay trao quyền cho phụ nữ từ lâu trở thành điều xa xỉ, mối lo cơm áo gạo tiền khiến họ không đủ điều kiện tiếp cận. Trên cơ sở đó, Ekocenter ra đời hỗ trợ những người dân khó khăn đến gần hơn cuộc sống tiến bộ, đồng thời thay đổi quan niệm vốn đã gắn sâu trong tiềm thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Năm 2015, giữa phường Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) “mọc” lên một trung tâm cung cấp nước sạch miễn phí, điện năng lượng mặt trời, dịch vụ Internet, các mặt hàng nhu yếu phẩm và hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Thông tin ấy được người dân truyền tai nhau, những người sống xung quanh trung tâm tò mò tìm đến, chủ yếu để xem thử chứ chưa nghĩ sử dụng hay lui tới thường xuyên.

Từ việc đến xem, mua vài ba nhu yếu phẩm thử nghiệm, nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của không ít khách hàng “ruột”. Trung tâm còn là nơi mà mỗi buổi sáng, người lớn tuổi lại họp mặt để đánh cầu lông, tập thể dục. Nhóm phụ nữ thì có không gian sinh hoạt, tạo thêm niềm vui cuộc sống, thay vì quanh quẩn với công việc nhà.

Đặc biệt, khi trung tâm xuất hiện đến giờ, người dân khu phố dường như gắn bó hơn bởi những cuộc trò chuyện sôi nổi bàn về các vấn đề xã hội đang được quan tâm. Trung tâm này như cánh cửa mở ra thế giới khi trang bị Internet và máy tính để người dân tra cứu thông tin phục vụ cho công việc hàng ngày hoặc tìm hiểu tin tức.

Và cứ thế, người dân Linh Trung chẳng ai còn xa lạ với trung tâm Ekocenter - sáng kiến toàn cầu của tập đoàn Coca‑Cola này, nhằm mang lại những giá trị thiết thực góp phần nâng cao chất lượng sống. Bắt đầu từ cơ sở ấy, Ekocenter mở rộng, phủ sóng nhiều tỉnh thành khó khăn trên dải đất hình chữ S.

Là cựu chiến binh đã về hưu, ông Vương Đình Thắng lấy công việc chăn nuôi, trồng trọt làm niềm vui tuổi già. Công việc quanh quẩn với vài ba luống rau, con gà trong con ngõ nhỏ thuộc thị xã Cửa Lò (Nghệ An) mang lại nhiều niềm vui, nhưng cũng khiến một cựu chiến binh như ông bị tách khỏi kiến thức trên Internet hay thông tin ngoài xã hội. Ngày Ekocenter đến, ông Thắng cũng chỉ nghe loáng thoáng khi được trạm xá và đoàn thanh niên thông báo, chứ chưa hề có ý niệm gì về trung tâm hỗ trợ cộng đồng này.

Đoàn khám bệnh miễn phí về nông thôn một năm cũng dăm ba lần, nhưng một trụ sở túc trực cung cấp nước sạch, kiểm tra sức khỏe cho người dân thường xuyên thế này thì ông Thắng thấy lần đầu. “Không chỉ khám chữa bệnh miễn phí, trung tâm còn thay đổi suy nghĩ của người dân nơi đây, biết chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa thay vì chỉ đến khi đã có bệnh. Chương trình rất được ủng hộ của người dân, đã có khoảng 80% phường Nghi Hải tham gia”, ông Thắng trải lòng sau buổi khám miễn phí tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng.

Khác với ông Thắng, bà Đặng Thị Dương lại quyết định khởi nghiệp lần nữa khi đã bước sang U60. Ở ngưỡng tuổi mà theo lẽ thường người ta sẽ an phận với công việc nội trợ, vui vầy bên con cháu, quyết định của bà khiến gia đình và hàng xóm bất ngờ. Vượt qua mục tiêu về kinh tế, bà muốn giúp đỡ những phụ nữ xung quanh làm kinh tế, có thể tự chủ cuộc sống và làm ra giá trị cho xã hội.

Bà Dương chọn làng cầu ngói Thanh Toàn (Huế) để bắt đầu hành trình mới về dịch vụ, du lịch. “Điểm du lịch cộng đồng này của Huế đã được tổ chức Asia Community lựa chọn là một trong 3 làng du lịch cộng đồng đặc trưng của Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên, du khách thường không lưu lại đây lâu do các dịch vụ du lịch tại làng vẫn còn hạn chế”, bà nhận định về tiềm năng phát triển lớn của dịch vụ lưu trú khi nhu cầu cao nhưng nguồn cung cơ sở hạ tầng, dịch vụ thì hạn chế.

Mang theo mục tiêu lớn nhưng khởi sự ở tuổi lục tuần, đặc biệt với phụ nữ lại càng không dễ dàng. Bà phải nghiên cứu, tìm hiểu mọi thứ và phổ biến lại cho hợp tác xã gồm những người vốn không nhiều hiểu biết về phương thức làm du lịch hiện đại. May mắn trong thời gian khởi nghiệp, bà biết đến Ekocenter và được giới thiệu về mô hình doanh nghiệp xã hội đang có những bước tiến vượt bậc và tạo ra giá trị tích cực, ổn định cho người dân. Tại Ekocenter Huế, nữ điều hành này bên cạnh việc kinh doanh các nhu yếu phẩm và phát triển du lịch bằng làng nghề truyền thống, còn được các đơn vị hữu quan cung cấp các tiện ích khác để nâng cao chất lượng sống của người dân như hỗ trợ cơ sở vật chất về máy tính, Internet, cà phê, nước uống sạch. Trung tâm này cũng giúp bà huấn luyện đội ngũ nhân viên, mở các lớp học kinh doanh, đào tạo trực tuyến. Chính quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội đã giải quyết bài toán dung hòa giữa kinh tế và phát triển bền vững cho địa phương.

Theo bà Dương, đây sẽ là nơi đào tạo và phổ cập kiến thức tin học, sử dụng máy tính cho người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em. Qua đó, họ có thể tiếp cận với những thông tin mới, thực hành những kỹ năng cần thiết.

“Tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm những dịch vụ mới được cung cấp từ đội ngũ phụ nữ đã giam gia khóa huấn luyện ‘Khởi sự kinh doanh’. Sau khi được huấn luyện, đội ngũ làm việc trong hợp tác xã du lịch của Thanh Toàn sẽ biết cách phát triển các dịch vụ, tour du lịch mới và tiếp thị các sản phẩm/dịch vụ hiệu quả đến các công ty dữ hành, khách du lịch. Từ đó thu hút nhiều người và giữ chân họ lâu hơn, chứ không phải chỉ đến thăm cây cầu lịch sử, chụp hình và rời đi”, bà Dương bộc bạch.

Xa hơn nữa, doanh nghiệp của bà Dương còn có kế hoạch làm việc với Hội đồng doanh nhân nữ và Công ty Coca‑Cola tổ chức các lớp phổ cập và giao tiếp tiếng Anh cho những người cung cấp dịch vụ. Thông qua giao tiếp, người dân có thể giới thiệu nhiều hơn về các sản phẩm độc đáo của địa phương.

Ông Thắng, bà Dương là hai trong số rất nhiều người được Ekocenter hỗ trợ cung cấp nước sạch, khám chữa bệnh miễn phí và trao quyền cho phụ nữ. Họ là từng cá thể đơn lập được kết nối với nhau bằng cây cầu mang tên Ekocenter, để tạo ra cộng đồng văn minh hơn với chất lượng sống được nâng cao.

Từ trung tâm đầu tiên hình thành năm 2015, Ekocenter được mở rộng lên 12 địa điểm, đã đóng góp 36 tỷ USD và tạo ra 576 việc làm tính đến năm 2018. Thay vì trao tặng thành quả sẵn có, Coca‑Cola Việt Nam lại hướng đến tương lai phát triển bền vững hơn bằng cách xây dựng nền tảng về sức khoẻ và kiến thức cho người dân. Và những nỗ lực trên hành trình vì cộng đồng của doanh nghiệp ngoại này không chỉ nhận sự ủng hộ của người dân, mà còn được xã hội công nhận.

Điển hình, Coca‑Cola mới đây được xướng tên trong danh sách giải Én Xanh 2019 - chương trình của Việt Nam tìm kiếm những sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng nhân văn và bền vững. Một trong những tác động lớn nhất của Ekocenter nằm ở việc giải quyết được các vấn đề xoay quanh sử dụng nước và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tính đến cuối năm 2018, dự án đã góp phần cung cấp 2 tỷ lít nước sạch đến hơn 70.000 cư dân, bảo tồn và phục hồi 450 ha đất sinh kế vùng lũ.

Bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca‑Cola Đông Dương, chia sẻ: “Dự án Ekocenter đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác doanh nghiệp xã hội, chính quyền địa phương cũng như người dân bản địa. Đây là một trong những hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hàng đầu của Coca‑Cola, và Giải thưởng Én Xanh 2019 đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi. Coca‑Cola hy vọng sẽ tiếp tục mang đến những giải pháp tối ưu nhất, không ngừng tạo ra thay đổi tích cực hơn nữa cho cộng đồng và xã hội”.

Trong thời gian tới, Coca‑Cola cho biết tiếp tục lan tỏa những giá trị vốn có của dự án bằng việc xây dựng thêm nhiều hơn trung tâm Ekocenter tại các tỉnh thành còn lại, đồng thời đáp ứng hoạt động công nghệ số như thư viện online, audio book…

Để chuẩn bị cho hành trình phát triển bền vững, doanh nghiệp này cần chuẩn bị về tiềm lực kinh tế, đội ngũ chuyên gia lẫn giải pháp sẵn sàng cho loạt thách thức chờ đón phía trước. Dẫu vậy, khó khăn ấy dường như không thể ngăn bước doanh nghiệp ngoại trên chặng đường vì cộng đồng không có điểm kết thúc này.

Tác giả: Giang Di Linh - Yến Lệ