Coca‑Cola Công Bố Chiến Lược An Ninh Nước 2030

30-01-2023

Ngày 23/3/2021, Atlanta, Công ty Coca‑Cola công bố chiến lược nước sạch toàn diện, tiến tới đạt được an ninh nước (water security) vào năm 2030 dành cho công ty và các cộng đồng nơi công ty hoạt động, trong đó bao gồm cả những khu vực mà Coca‑Cola đang sử dụng nguyên liệu nông nghiệp cho các sản phẩm thức uống và phục vụ cuộc sống người dân.

Khung chiến lược - được phát triển sau khi đánh giá chi tiết rủi ro về nguồn nước, và được định hình thông qua phản hồi từ các đối tác đóng chai, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và các công ty trong ngành - tập trung vào ba ưu tiên: giảm tải thách thức toàn cầu về nguồn nước; tăng cường khả năng phục hồi nguồn nước công cộng hướng đến nhóm thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em; cải thiện nguồn nước ở các lưu vực chính. Các mục tiêu được điều chỉnh dựa trên đặc thù bối cảnh từng quốc gia, sẽ được công bố sau, nhằm hỗ trợ khuôn khổ chiến lược toàn cầu.

"Quản lý nguồn nước" (water stewardship) từ lâu đã là một nhiệm vụ bắt buộc trong các hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Năm 2015, Fortune 500 công bố Coca‑Cola là tập đoàn đầu tiên thuộc danh sách này thành công trong việc phục hồi toàn bộ lượng nước đã sử dụng trong quá trình sản xuất đồ uống – thành tích đạt được sớm hơn 5 năm so với kế hoạch đề ra – và đã luôn được duy trì hàng năm. Ngoài ra, tính đến năm 2019, chúng tôi đã nâng hiệu quả sử dụng nước lên 18% so với năm 2010.

"Kết quả mà tập đoàn  đạt được là một khẳng định mạnh mẽ, song chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực hơn nữa.”, James Quincey - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Coca‑Cola nhận định. “Coca‑Cola cam kết giữa vững vai trò là đơn vị tiên phong trong công cuộc bảo tồn tài nguyên nước khi đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là quản lý nguồn nước và phục hồi 100% lượng nước công ty sử dụng trong hoạt động sản xuất trở về môi trường. Chúng tôi đang chuyển đổi trọng tâm của mình, hướng đến những tác động tích cực hơn nữa cho con người và hệ sinh thái.”

Sự ra đời của một chiến lược dựa trên nền tảng khoa học để áp dụng một cách có hệ thống cho toàn bộ chuỗi giá trị là rất cần thiết, đồng thời cũng là minh chứng cho thách thức chung về nước trên toàn cầu hiện nay. Khoảng 1/3 số nhà máy đóng chai của Coca‑Cola nằm ở những khu vực khan hiếm nước sạch, và hơn 73% "dấu chân nước" (water footprint) trên toàn cầu của công ty được sử dụng trong trồng trọt các nguyên liệu nông nghiệp (cam, táo, đường mía).

Dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích một thập kỷ qua, chiến lược vẫn sẽ duy trì các tiêu chuẩn hàng đầu về quản lý rủi ro nước, liên tục cải thiện hiệu quả sử dụng nước và xử lý nước thải. Ngoài ra, những ưu tiên hàng đầu mới bao gồm:

  • Tiến tới sử dụng 100% nước tái sinh trong sản xuất tại các khu vực khan hiếm nước bằng cách tiết kiệm nước, tái sử dụng và tái chế nước, cũng như phục hồi nguồn nước tại các địa phương khan hiếm nước sạch.
  • Áp dụng thang điểm đánh giá các vấn đề về nước xoay quanh 5 yếu tố: tính khan hiếm, chất lượng, hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng và quản lý, đồng thời ưu tiên cho các giải pháp tự nhiên;
  • Tái định hướng và tăng cường ảnh hưởng hướng tới việc phục hồi một cách có hệ thống nguồn nước tại các lưu vực chính;
  • Tiếp tục hỗ trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn và vệ sinh, giúp cộng đồng thích ứng với các tác động môi trường có liên quan đến nước do biến đổi khí hậu; và
  • Tận dụng mối quan hệ với các nhà cung cấp nông nghiệp tại các lưu vực chính để đảm bảo những nguyên liệu và địa phương đều sử dụng nước một cách bền vững (water-sustainable)

 “Dựa trên các phân tích chuyên sâu về những rủi ro liên quan đến nước tại các cơ sở của tập đoàn và tại địa phương nơi công ty thu mua nguyên liệu, chúng tôi đặt ra các ưu tiên để nỗ lực nhiều hơn. Những phân tích này là định hướng để xác định các ‘địa điểm hàng đầu’ và các ‘lưu vực chính’ một cách chuẩn xác, nhằm mang đến sự hỗ trợ kịp thời cho những nơi cần kíp nhất.”  Ulrike Sapiro, Giám đốc Cấp cao, Quản lý Nước Toàn cầu và Nông nghiệp Bền vững, Công ty Coca‑Cola cho biết.

Trò chuyện với Sapiro về chi tiết cho chiến lược 2030

Động lực chính đằng sau chiến lược mới này là gì?

Coca‑Cola đã tạo nên những bước tiến đáng kinh ngạc cũng như thiết lập quy chuẩn về quản lý nguồn nước trong tập đoàn, song những rủi ro tiềm ẩn – đối với công ty, với chuỗi cung ứng của chúng tôi và các cộng đồng - dường như vẫn vượt xa những nỗ lực đó. Với chiến lược trước đây của mình, chúng tôi đặt ra các mục tiêu và kêu gọi các bên cùng tham gia. Rất nhiều người đã hưởng ứng. Và cùng nhau, chúng tôi đã tái định hình ý nghĩa của việc quản lý nguồn nước.

Trong tương lai, các lãnh đạo sẽ chú trọng tới những hành động mang tính tập thể, gắn kết giữa nhiều nguồn lực hơn là chỉ hướng đến những mục tiêu riêng của công ty. Việc đồng thuận với các tiêu chuẩn và quy chuẩn chung của ngành là một phần của hành động tập thể đó. Ví dụ, đối với Coca‑Cola, chúng tôi sử dụng bộ nguyên tắc của Alliance for Water Stewardship (AWS – tạm dịch là ‘Liên minh vì sự phục hồi nước’) làm tiêu chuẩn chung cho quy trình đóng chai. Chúng tôi cũng phát triển Volumetric Water Benefit Accounting – một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước, và đang áp dụng WASH4WORK - khuôn khổ chung giúp cải thiện việc tiếp cận nguồn nước và điều kiện vệ sinh dành cho các công nhân trong hệ thống của mình, nhà cung cấp, và cả cộng đồng tại khu vực Coca‑Cola hoạt động. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được ảnh hưởng có quy mô lớn hơn trước những thách thức chung về nguồn nước.

Vì sao những rủi ro hay thách thức về nguồn nước lại gia tăng nhiều đến vậy trong một thập kỷ qua?

Trước tiên phải kể đến khoảng cách rất lớn giữa cung và cầu. Nhu cầu sử dụng nước của con người trên toàn cầu tăng, không chỉ trong canh tác và sản xuất nông nghiệp, mà còn do sự gia tăng dân số đô thị, kết hợp với sự bùng nổ tầng lớp trung lưu mới, đã góp phần khiến cho nhu cầu sử dụng nước nói chung tăng cao.

Về cơ bản, nhu cầu sử dụng nước được dự báo sẽ tăng thêm 40% so với nguồn cung của Trái Đất. Một số khu vực ở Ấn Độ, Mexico hay Hoa Kỳ, sự chênh lệch này thậm chí còn lớn hơn.

Thứ hai, hiện nay trên thế giới có tới 1 tỉ người không được nước uống sạch. Covid-19 đã làm con số này tăng thêm. Và cuối cùng, biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường như lũ quét và hạn hán, gây nên ảnh hưởng tới các cộng đồng trên toàn cầu. Người ta ví von rằng, nếu như biến đổi khí hậu tấn công như một con cá mập, thì hàm răng của nó chính là nước.

Coca‑Cola có một lịch sử dài với các hoạt động, chiến dịch tập trung vào phục hồi nước - hoàn trả về môi trường số lượng nước công ty đã sử dụng trong quá trình sản xuất. Liệu trong tương lai, đây có còn là ưu tiên lớn nhất?

Đúng vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm từ những gì đã làm được. Phục hồi nước là một khía cạnh đánh giá quan trọng bởi nó là thước đo mức độ cam kết và xác định quy mô hành động chứ không chỉ là một mục tiêu. Chúng tôi sẽ duy trì chỉ số hoàn trả nước ở mức 100% trên toàn cầu, song chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong hành trình cải thiện chất lượng lưu vực tại những khu vực khan hiếm nước vì việc này là ưu tiên sống còn đối với hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng nông nghiệp công ty. Chúng tôi sẽ đánh giá lưu vực chính một cách có hệ thống dựa trên năm yếu tố, và kêu gọi các bên liên quan tại mỗi địa phương cùng đề ra kế hoạch toàn diện để hành động một cách thống nhất. Những can thiệp để phục hồi nước đóng vai trò như là phần đóng góp thêm cho kế hoạch tổng thể, nhưng không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết các vấn đề gốc rễ tại nhiều nơi.

Những mục tiêu và đối tượng của chiến lược năm 2030 là gì?

Chúng tôi đặt ra những mục tiêu có thể định lượng được trên toàn cầu. Ví dụ, tại các địa điểm hàng đầu mà công ty đã xác định, chúng tôi đặt mục tiêu 100% lượng nước sử dụng là nước tái sinh, bằng cách giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và phục hồi nước sử dụng tại địa phương đó. Chúng tôi còn có một mục tiêu là tăng tốc cải thiện các hệ số phản ánh hiệu quả sử dụng nước tại các khu vực khan hiếm nước kể từ năm 2015. Mục tiêu này được xác định dựa theo đặc điểm riêng của từng địa phương cùng với hoạt động của nhà máy đóng chai của chúng tôi.  Chúng tôi cũng đặt mục tiêu cải tạo chất lượng nước đầu nguồn tại 100% lưu vực chính.

Tuy nhiên, những thách thức về nguồn nước trong tự nhiên thường khác nhau tùy theo khu vực, địa phương. Chúng tôi không thể chỉ nói rằng, "Một cách tổng thể, chúng ta sẽ làm X, Y và Z.". Điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Khuôn khổ và mục tiêu dành cho hoạt động của tập đoàn trên toàn cầu, cho chất lượng nước đầu nguồn và các địa phương, được tạo lập dựa trên những đánh giá nghiêm ngặt nhất về rủi ro và mức độ tổn thương. Điều đó thiết lập nên những ‘khung thành’. Bước tiếp theo chính là đưa vào đó những mục tiêu cụ thể, với đối tượng phù hợp ngữ cảnh và nhanh chóng tiến tới hành động. Chúng tôi đang triển khai một quy trình để giúp các thị trường phát triển mục tiêu của riêng mình, dựa trên môi trường sản xuất, cùng với sự am hiểu về những rủi ro cũng như vấn đề nhạy cảm tại từng thị trường. Quá trình chuyển đổi này, rất ngẫu nhiên, lại tương đồng với dự thảo phương pháp của The Science-Based Targets Network (SBTN) – một mạng lưới xây dựng mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học về bảo vệ nguồn nước.

Tại sao chiến lược này tập trung chủ yếu vào chuỗi cung ứng nông sản?

Nghiên cứu đầu tiên về “dấu vết của nước” (water-footprint) trên toàn bộ chuỗi cung ứng của tập đoàn – từ nguyên liệu đến người tiêu dùng - đã chỉ ra rằng hơn 73% lượng nước tiêu thụ bởi Coca Cola trên toàn cầu là để phục vụ việc trồng trọt (đường mía, cam, táo).

Hệ số đo lường hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, ví dụ thông qua việc ứng dụng hệ thống tưới tiêu hiện đại, có thể là một phần của giải pháp. Nhưng mục tiêu của chúng ta là không chỉ quản lý tác động đến nước, còn phải đóng góp cho chất lượng nước đầu nguồn. Điều chúng tôi đang làm là xem xét những nông sản tiêu tốn nhiều nước nhất – nghĩa là những nguyên liệu cần lượng nước lớn nhất để làm ra một tấn thành phẩm, và được trồng trọt tại những khu vực khan hiếm nước  – từ đó xác định những khu vực cung ứng nước đầu nguồn cần được ưu tiên. Chúng tôi sẽ kết hợp với các nhà cung cấp và hộ nông dân để hiểu về phương pháp canh tác của họ, và xác định các vấn đề, rồi đưa ra các giải pháp tiềm năng cũng như cơ hội hành động cùng với các nhà bán lẻ và đối tác trong chuỗi cung ứng. Hiệu suất tưới tiêu có thể là một câu trả lời, nhưng phần lớn các giải pháp hiệu quả đến từ việc canh tác bảo vệ đất, quản lý đất đai, cải thiện hệ sinh thái, hoặc xem xét tổng thể nguồn nước nằm bên ngoài chuỗi cung ứng trực tiếp của chúng tôi.

Chiến lược nước sẽ được tiến hành ra sao để hỗ trợ hay khớp với các mục tiêu và ưu tiên bền vững của tập đoàn?

Nước là mạch nối để tạo ra nhiều lợi ích cho các mục tiêu khác của chúng tôi. Hãy lấy khí hậu làm một ví dụ. Công tác về nước hỗ trợ các mục tiêu đối với khí hậu của chúng tôi, hỗ trợ giảm lượng phát thải carbon thông qua tái sử dụng và sử dụng nước hiệu quả, song song với đó là tạo thêm nhiều lợi ích quan trọng đối với hệ sinh thái và giảm thải carbon nhờ vào những giải pháp thuận tự nhiên và công cuộc phục hồi nước. Để nắm bắt được những lợi ích này một cách có hệ thống, chúng tôi thử nghiệm phương pháp đo lường gọi là Natural Capital (tạm dịch: Vốn Tự Nhiên), tính toán các hoạt động phục hồi nước của tập đoàn tại Châu Âu, từ đó góp phần xây dựng một phương pháp mang tính toàn cầu, đa phương, để mang lại những lợi ích chung.

Mối tương quan giữa canh tác nông nghiệp và nguồn nước cũng được làm rõ trong chiến lược nước của chúng tôi, những tham vọng phục hồi nước được định hình dựa trên các chương trình nông nghiệp bền vững mà công ty đang theo đuổi. Các mục tiêu phục hồi nước cho cộng đồng hướng tới hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn nước an toàn và vệ sinh đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã góp phần trao quyền và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giúp cộng đồng tăng khả năng thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu.