Coca‑Cola và The Ocean Cleanup hợp tác giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam

11-01-2022

Triển khai hệ thống làm sạch sông ngòi InterceptorTM tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trong khuôn khổ hợp tác toàn cầu giữa Coca‑Cola và The Ocean Cleanup.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 01 năm 2022 - Hôm nay, Công ty Coca‑Cola Việt Nam và Tổ chức The Ocean Cleanup chính thức thông báo triển khai các giải pháp công nghệ ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương trên sông Cần Thơ, Thành phố Cần Thơ. Đây là dự án thuộc khuôn khổ hợp tác toàn cầu giữa Coca‑Cola và The Ocean Cleanup, trong đó sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch, hướng đến mục tiêu chung: ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, với bước tiếp cận đầu tiên là xử lý rác thải trên các con sông.

Năm 2021, Coca‑Cola đã trở thành Đối tác Triển khai Toàn cầu cho dự án làm sạch sông ngòi của The Ocean Cleanup. Quan hệ hợp tác đặc biệt này đã giúp Công ty sản xuất nước giải khát và Tổ chức công nghệ phi lợi nhuận cùng nhau góp sức làm sạch rác thải nhựa đổ ra biển từ một số con sông chính trên thế giới.

Cùng với việc hỗ trợ triển khai hệ thống làm sạch trên các con sông, hai tổ chức cũng kêu gọi sự quan tâm và hành động của các ngành có liên quan, và các đơn vị tư nhân trên toàn thế giới nhằm chung tay giải quyết vấn đề về rác thải nhựa. Vận hành bằng năng lượng mặt trời, hệ thống làm sạch sông ngòi InterceptorTM của The Ocean Cleanup là một cỗ máy có thể tự động thu gom rác nổi bề mặt trên sông. Được công bố vào năm 2019, InterceptorTM là giải pháp công nghệ đầu tiên có khả năng triển khai trên diện rộng để ngăn chặn rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương.

Sau nhiều năm lên kế hoạch, hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003, với tên gọi René, đã được hạ thủy trên sông Cần Thơ để chạy thử nghiệm vào tháng trước. Giải pháp công nghệ tiên tiến này được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động một cách toàn diện trong vài tháng tới, và có thể thu gom đến 50.000 kg rác trên sông mỗi ngày.

Hoạt động của hệ thống Interceptor 003 trên sông Cần Thơ

Việc triển khai dự án làm sạch sông ngòi ở Việt Nam lần này được thực hiện với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Sở Tài nguyên & Môi trường Cần Thơ (Sở TN&MT). Bên cạnh làm sạch sông Cần Thơ, hai bên cũng đang làm việc với Sở TN&MT và các đơn vị quản lý tại địa phương để nghiên cứu về phương án xử lý rác sau khi thu gom, từ đó mở rộng quy mô dự án một cách phù hợp.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng dự án sẽ góp phần quan trọng giúp thành phố nâng cao năng lực và hiệu quả trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên một số tuyến sông lớn tại TP.Cần Thơ. Đồng thời, cũng góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến 2030, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được điều đó, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay góp sức từ các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân cũng như người dân Cần Thơ đối với các dự án bảo vệ môi trường như thế này, nhằm giữ vững danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững về môi trường” – là kết quả đáng ghi nhận mà thành phố Cần Thơ đã vinh dự nhận được”.

Là một phần của dự án, Coca‑Cola Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển các giải pháp quản lý rác thải nhựa sau khi thu gom, tìm kiếm và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức địa phương có tiềm năng.

Ông Boyan Slat, nhà sáng lập kiêm CEO của The Ocean Cleanup cho biết: “Nhiệm vụ của The Ocean Cleanup là loại bỏ rác thải nhựa khỏi các đại dương. Tôi rất vui mừng với bước tiến mới cùng Coca‑Cola trên hành trình giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa phức tạp trên diện rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương. Đây là một tin vui cho các đại dương”.

Dự án này là một phần quan trọng thuộc chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca‑Cola đang nỗ lực một cách toàn diện để đảm bảo tất cả các vật liệu dùng cho bao bì đều được thu gom và tái chế thay vì trở thành rác thải. Coca‑Cola đã đặt mục tiêu toàn cầu: đến năm 2030 có thể thu gom và tái chế mọi vỏ chai và lon mà công ty bán ra.

Interceptor 003 trên đường di chuyển đến khu vực hoạt động thu gom rác thải

Tại Việt Nam, Coca‑Cola đang tích cực hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp thu gom, tái chế phù hợp với từng địa phương. Coca‑Cola Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organzation Vietnam - PRO Việt Nam), một sáng kiến hợp tác với nhiều công ty hàng đầu khác, các đơn vị tái chế và các cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy nỗ lực thu gom và tái chế bao bì trong nước, hướng tới một Việt Nam sạch và xanh.

Ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Coca‑Cola Việt Nam và Cam-pu-chia, cho biết: “Hiện nay vỏ chai và lon của chúng tôi vẫn được tìm thấy trong số rác thải nhựa đại dương. Và chúng tôi không thể thỏa hiệp với thực trạng này. Coca‑Cola mong muốn hỗ trợ các đối tác, giúp phát triển các công nghệ làm sạch đại dương và sông ngòi, trong đó có lưu vực sông Mê Kông - một trong những hệ thống sông lớn tại khu vực Đông Nam Á đang đổ ra các đại dương. Thông qua công nghệ mới và các mối quan hệ hợp tác chiến lược, Coca‑Cola đang nỗ lực đóng góp những giải pháp bền vững cho việc thu gom và tái chế chai nhựa tại Việt Nam theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Vì thế, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi hợp tác cùng tổ chức The Ocean Cleanup. Bắt đầu từ dòng sông Cần Thơ hiền hòa, chúng tôi tin rằng những dự án chung của hai bên sẽ thật sự tạo ra những tác động bền vững trong thời gian tới”.

###

Về The Ocean Cleanup

The Ocean Cleanup là tổ chức chuyên phát triển công nghệ tiên tiến nhằm loại bỏ rác thải nhựa khỏi đại dương. Để thực hiện mục tiêu này, The Ocean Cleanup có phương pháp tiếp cận theo hai hướng: ngăn nguồn rác thải chảy đến từ các con sông đồng thời xử lý rác thải đang tích tụ ở đại dương. Đối với hướng tiếp cận thứ hai, The Ocean Cleanup đang phát triển những hệ thống quy mô lớn và hiệu quả để lọc rác thải nhựa, loại bỏ rác thải định kỳ. Các rác thải nhựa này được theo dõi, truy xuất nguồn gốc thông qua mô hình chuỗi hành trình sản phẩm của DNV để xác nhận nguồn gốc khi tái chế thành sản phẩm mới. The Ocean Cleanup đã công bố giải pháp cho hướng tiếp cận còn lại là hệ thống Interceptor™ giúp loại bỏ rác thải nhựa ở sông ngòi trước khi chúng đổ ra biển. Được thành lập vào năm 2013 bởi Boyan Slat, The Ocean Cleanup hiện có khoảng 100 nhân viên với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Tổ chức có trụ sở ở Rotterdam, Hà Lan. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: theoceancleanup.com và theo dõi @theoceancleanup trên mạng xã hội.

Vì một thế giới không rác thải

Công ty Coca‑Cola đang triển khai các giải pháp mang tính toàn diện để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải”. Chiến lược đề ra ba mục tiêu toàn cầu chính bao gồm: (1) Đến năm 2025, 100% bao bì của Coca‑Cola được làm từ vật liệu có thể tái chế – và đến năm 2030, sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì; (2) Đến năm 2030, mỗi lon và chai mà Coca‑Cola bán ra đều được công ty thu gom và tái chế; và (3) Cùng hợp tác vì môi trường và đại dương xanh sạch không rác thải. Không ngừng cải tiến, Coca‑Cola đang đầu tư cho nhiều công nghệ mới, các giải pháp vật liệu bao bì và sáng kiến giảm thiểu bao bì, bao gồm công nghệ bao bì siêu nhẹ, tăng khả năng tái chế, bao bì có nguồn gốc thực vật, và những giải pháp phân phối sản phẩm trực tiếp không cần bao bì.

Hành trình của Coca‑Cola Việt Nam vì một thế giới không rác thải

Năm 2020, Coca‑Cola là công ty nước giải khát đầu tiên thị trường Việt Nam giới thiệu chai nhựa được làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nhãn và nắp chai), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani dung tích 500ml. Năm 2021, Coca‑Cola chuyển đổi vỏ chai Sprite từ màu xanh đặc trưng sang chai nhựa PET trong suốt, góp phần thúc đẩy quá trình tái chế vỏ chai Sprite tại Việt Nam. Mới đây, công ty đã đưa thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì sản phẩm của tất cả các thương hiệu thuộc công ty Coca‑Cola, nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay hỗ trợ các hoạt động tái chế bao bì. Coca‑Cola còn hợp tác với các công ty khác thành lập Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua quy trình thu gom và tái chế bao bì theo hướng dễ tiếp cận và bền vững hơn tại Việt Nam.