Coca‑Cola Vượt Chỉ Tiêu Sáng Kiến 5by20 Trao Quyền Cho Phụ Nữ Trong Lĩnh Vực Kinh Tế

08-03-2021

Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, năm 2021Coca‑Cola công bố đã thực hiện thành công hành trình trải dài một thập kỷ với mục tiêu trao quyền kinh tế cho 5 triệu phụ nữ khởi nghiệp.

Trên thực tế, sáng kiến 5by20® đã vượt qua mục tiêu đầy tham vọng do Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành bấy giờ là Muhtar Kent công bố vào năm 2010 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Cho đến nay, 5by20 đã tiếp cận hơn 6 triệu phụ nữ làm kinh tế - từ người nông dân đến chủ cửa hàng bán lẻ, chủ nhà hàng, nghệ nhân, nhà tái chế và nhà phân phối - thông qua các khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh, dịch vụ tài chính, mạng lưới đồng nghiệp, cố vấn và các nguồn lực khác.

5by20 ra đời với mục tiêu giúp các nữ doanh nhân vượt qua rào cản kinh tế và xã hội để đạt được thành công trong kinh doanh – đồng thời tạo ra các cộng đồng bền vững, phát triển mạnh mẽ. Tầm nhìn này bắt nguồn từ niềm tin rằng đầu tư vào những người phụ nữ, những cột trụ trong cộng đồng của họ, sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa đối với sự tăng trưởng kinh tế và mang tới đổi thay bền vững.

“Trong một thập kỷ qua, bằng cách trao quyền để chị em phụ nữ làm kinh tế, chúng ta đã cùng nhau đã tạo ra nhiều giá trị với hy vọng về một tương lai chung tốt đẹp hơn - tạo điều kiện để cải thiện sinh kế cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng của họ”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành James Quincey viết trong báo cáo 5by20 năm 2020, được công bố ngày 08/03/2021.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2018, việc trao quyền cho phụ nữ làm kinh tế góp phần làm tăng năng suất, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, bình đẳng thu nhập, và mang lại nhiều kết quả tích cực khác.

Bea Perez, Giám đốc đối tác chiến lược bền vững và truyền thông toàn cầu của Công ty Coca‑Cola cho biết: “Trên tất cả, điều chúng tôi nhận thấy thông qua sáng kiến 5by20 là khi phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội mới, không có một giới hạn nào là không thể vượt qua.”

Chúng tôi đã trò chuyện với Norah Odwesso, Giám đốc Cấp cao về tác động xã hội của Công ty Coca‑Cola và đồng thời là Giám đốc chương trình 5by20, về cột mốc quan trọng này và kế hoạch cho tương lai.

Đã có nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh của công ty cũng như trên thế giới nói chung kể từ khi 5by20 ra mắt. Sáng kiến ​​này đã phát triển như thế nào trong những năm qua?

Ban đầu, 5by20 tập trung vào các nữ doanh nhân có liên quan tới chuỗi giá trị của công ty trên toàn cầu... những người phụ nữ sở hữu hoặc quản lý các doanh nghiệp nhỏ mà chúng tôi làm việc cùng trên khắp thế giới. Khi chương trình phát triển hơn, chúng tôi nhận thấy những nữ doanh nhân này không phải những người duy nhất gặp khó khăn trong việc phát triển kinh doanh. Có một tập hợp lớn hơn gồm những nữ doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng về sau đã tham gia chương trình. Vì thế, chúng tôi đã làm việc với các đối tác để tăng quy mô cũng như tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn. Vào năm 2013, phạm vi sáng kiến 5by20 đã được mở rộng để cho phép Quỹ Coca‑Cola (tổ chức từ thiện độc lập của công ty) và các đối tác khác được đóng góp, để mở rộng phạm vi tiếp cận của chương trình đến với những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn  và đang có hoạt động kinh doanh nằm ngoài chuỗi giá trị của Coca‑Cola. Những người thụ hưởng quyền lợi từ các chương trình do Quỹ Coca‑Cola tài trợ đều nằm ngoài chuỗi giá trị của công ty.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tận dụng công nghệ trong việc mở rộng các chương trình một cách nhanh chóng và linh hoạt. Công nghệ cho phép phụ nữ tiếp cận với chương trình kỹ thuật số tại nhà, đảm bảo hoạt động hiệu quả ngay trong cao điểm mùa dịch. Chương trình 5by20 đã áp dụng nền tảng kỹ thuật số từ vài năm trở lại đây và được tăng tốc từ năm 2020 khi các quốc gia như Hoa Kỳ, Ukraine và Philippines thành công trong việc mở rộng quy mô chương trình của họ nhờ đào tạo kỹ thuật số trực tuyến (virtual digital training).

Sáng kiến ​​5by20 bắt đầu ở châu Phi trước khi mở rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Vì sao chúng ta lại bắt đầu tại đó?

Ban đầu, chúng tôi tập trung vào bốn quốc gia: Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Philippines. Một trong những khu vực có tiềm năng lớn nhất mà chúng tôi xác định là Châu Phi, nơi chúng tôi đưa ra một sáng kiến về chương trình phát triển nhà phân phối tại Đông Phi, hay còn gọi là Trung tâm Phân phối Thủ công / Vi mô (MDC). Các Trung tâm MDC này đóng vai trò như chất xúc tác cho chương trình 5by20, cho chúng ta thấy hiệu quả của một mô hình vừa hỗ trợphát triển cộng đồng, vừa hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty, và được vận hành nhờ vào nguồn vốn kinh doanh. Mô hình này cũng thu hút rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương. Theo nghiên cứu, chúng tôi xác định có ít nhất 86% trong số các cửa hàng đóng vai trò là trung tâm phân phối thức uống Coca‑Cola được sở hữu hay điều hành bởi phụ nữ. Chúng tôi nhận ra đây chính là cơ hội để khởi đầu và sau đó có thể mở rộng quy mô chương trình sang các khu vực có tiềm năng khác như Châu Mỹ Latin và Châu Á. Tính đến cuối năm 2020, tổng số các chương trình của 5by20 đã lên tới hơn 300 chương trình tại 100 quốc gia.

Công ty đã làm gì để cán mốc 6 triệu người thụ hưởng từ chương trình 5by20?

Để được ghi nhận tham gia, người phụ nữ cần đạt các điều kiện sau: từ 16 tuổi trở lên; tham gia ít nhất một hoạt động khởi động thuộc chương trình 5by20; đang đối diện với một số khó khăn nhất định được nêu ra trong khuôn khổ chương trình 5by20; và đang (hoặc sẽ) làm kinh doanh/khởi nghiệp.

Ngoài những con số này, 5by20 đã tạo ra những tác động nào đối với các nữ doanh nhân tham gia chương trình?

Khi lắng nghe câu chuyện của các phụ nữ tham gia chương trình 5by20, chúng tôi thấy rằng họ đã trở nên tự tin hơn để thành lập và điều hành việc kinh doanh của mình. Họ đang báo cáo cũng như tận hưởng thu nhập, khả năng hỗ trợ gia đình tăng dần lên và còn tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với cộng đồng. Họ cũng truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tự tin khởi nghiệp. Đó là hiệu ứng cấp số nhân rất mạnh mẽ. Một nghiên cứu độc lập do Ipsos thực hiện cũng khẳng định các lợi ích này từ chương trình.

Một số bài học chính rút ra từ hành trình sáng kiến 5by20 là gì?

Ngay từ đầu, 5by20 đã là một mô hình giá trị chung hướng tới các tác động xã hội và cả thương mại. Việc thu hút các nhà lãnh đạo của chúng tôi ngay từ đầu và giúp họ hiểu được rằng 5by20 sẽ hỗ trợ phụ nữ, những người sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình và cộng đồng của họ, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của chương trình – đây chính là nền tảng cho tính bền vững lâu dài của sáng kiến.

Thứ hai, xây dựng quan hệ bền chặt với đối tác là yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi sớm nhận thấy rằng, đối với một công ty, việc mở rộng quy mô của chương trình và mang lại sức ảnh hưởng như mong muốn là việc chúng tôi không thể thực hiện một mình. Điều này đã dẫn đến quyết định hợp tác cùng các chính phủ, tổ chức xã hội, các đối tác đóng chai và đối tác hỗ trợ tại địa phương hoạt động trong lĩnh vực trao quyền cho phụ nữ làm kinh tế. Quỹ Coca‑Cola cũng đã tài trợ cho một số chương trình thông qua các khoản trợ cấp cho những đối tượng thuộc dạng ưu tiên trong nhóm Trao quyền cho Nữ Doanh nhân của Quỹ.

Chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác trên thế giới như UN Women, Quỹ Bill & Melinda Gates, Technoserve và CARE, cùng nhiều tổ chức khác ở cấp quốc gia và khu vực. Ngoài kiến ​​thức chuyên môn, các đối tác còn cung cấp thiết kế chương trình, phương án thực hiện tại địa phưng, và hỗ trợ mở rộng quy mô các hoạt động. Ở một số quốc gia công ty chưa có hoạt động mạnh, các đối tác triển khai chương trình của chúng tôi cũng cung cấp kiến ​​thức chuyên môn trong các lĩnh vực như bình đẳng giới và vận động trao quyền cho phụ nữ làm kinh tế.

Cuối cùng, các kết quả thẩm định từ những đơn vị độc lập chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo uy tín của chương trình.  Những mục tiêu có thể đo lường được là rất quan trọng, vì vậy, chúng tôi đã thiết lập một phương pháp tính toán kỹ càng để thống kê những phụ nữ tham gia chương trình 5by20, và tất cả thị trường đều được yêu cầu cung cấp tài liệu làm cơ sở cho việc đo lường kết quả chương trình. Các quy trình tính toán và xác minh của chúng tôi đã được PricewaterhouseCoopers xác nhận, sau đó được  Ernst & Young LLP đảm bảo.

5by20 đã tác động như thế nào đến các ưu tiên phát triển bền vững khác của Coca‑Cola như nước và chất thải?

Đây là một câu hỏi rất hay. Đã có nhiều cuộc thảo luận xoay quanh sự tương quan giữa 5by20 và các ưu tiên phát triển bền vững của chúng tôi. Những chương trình quản lý nguồn nước (water stewardship) của chúng tôi đã tiếp cận hơn 400.000 phụ nữ, những người này sau khi được tiếp cận với nguồn nước uống sạch thì có thể dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động kinh doanh khác. Trên thực tế, nghiên cứu của IPSOS năm 2018 đã chỉ ra rất rõ rằng khi phụ nữ không phải mất thời gian tìm kiếm nước sạch, phần lớn họ sẽ sử dụng thời gian rảnh rỗi này cho các hoạt động kinh tế nhiều hơn, và có tới 91% phụ nữ trong số này nhận thấy thu nhập của họ có tăng. Đó là những người phụ nữ làm công việc tái chế và thu gom rác thải tại Mỹ Latin hay Châu Phi, hoặc là những nữ nông dân trồng trọt và sản xuất các nguyên liệu nông nghiệp, như mía và xoài, mà chúng tôi đang sử dụng để sản xuất đồ uống

Mục tiêu hiện tại đã đạt được. Kế hoạch nào sẽ diễn ra trong thời gian tới?

Một mặt chúng tôi rất vui vì đã đạt được mục tiêu kéo dài một thập kỷ của mình, thì mặt khác, việc trao quyền cho phụ nữ làm kinh tế vẫn còn là một thách thức lớn trên toàn cầu và là ưu tiên cốt lõi cho hệ thống Coca‑Cola, cả nội bộ và bên ngoài. Về mặt nội bộ, mục tiêu của chúng tôi là phản ánh sự đa dạng của các cộng đồng mà chúng tôi đang hoạt động tại đó. Gần đây, chúng tôi đã tái xác nhận mục tiêu đến năm 2030 là có 50% vị trí lãnh đạo do phụ nữ nắm quyền. Về đối ngoại, chúng tôi sẽ tập trung vào việc hỗ trợ khả năng phục hồi của cộng đồng, và với nỗ lực không ngừng nhân lên mỗi năm, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp cận được tới nhiều phụ nữ và người dân kém may mắn hơn nữa trên khắp thế giới.