Để rác thải nhựa không còn là rác!

05-07-2019

Với mục tiêu cùng thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn, chín (9) doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng & bao bì đã tiên phong liên kết và thiết lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Coca‑Cola Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong ấy.

Việt Nam, vốn là một điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải rắn, theo ước tính lượng rác thải rắn ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% từ 11.6 triệu tấn năm 2016 lên 15.9 triệu tấn năm 2030. Là một trong 05 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280,000 tấn mỗi năm, chính phủ Việt Nam nói chung, các công ty đang đặt tại nước sở tại nói riêng, cấp thiết phải bắt tay để Việt Nam không còn là nạn nhân và cũng không còn là tác nhân gây tác động xấu lên môi trường nữa.
Thói quen dùng “một cách dễ dãi” túi nilon, những vật dụng nhựa sử dụng một lần của người tiêu dùng đã làm các vật dụng nhựa đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân một cách không thể thiếu.

(rác thải nhựa tại đường phố Việt Nam, ảnh Tuổi Trẻ)

Không dừng lại ở đó, các số liệu về giao dịch thương mại đã chỉ ra rằng cho đến gần đây Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế. Với sự gia tăng của lượng rác thải, thách thức đặt ra từ rác thải bao bì sẽ ngày càng lớn nếu như không có sự can thiệp kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. Do đó, cần có sự hỗ trợ để phát triển một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước đủ mạnh nhằm giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường.
Vì thế, các mục tiêu hoạt động của PRO Vietnam là thực sự cấp thiết và được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến tích cực để cùng Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Bao gồm: (1) nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; (2) làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; và (3) hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế (4) PRO Vietnam cũng hợp tác với Chính Phủ trong khía cạnh “Recycle - Tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện độc đáo nhằm cải thiện điều kiện sinh kế và tạo việc làm cho các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao bì sau tiêu dùng.
Đây cũng chính là mô hình mà Coca‑Cola đã và đang thực hiện một cách tích cực kể từ khi công bố sáng kiến Thế Giới Không Rác Thải với mục tiêu tham vọng là đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế toàn bộ chai, lon sản phẩm mà công ty bán ra tại mỗi thị trường trên toàn cầu.
Tại buổi lễ ký kết thành lập PRO Vietnam, ông Hiroshi Kanazawa ‐ Tổng Giám đốc Coca‐ Cola Đông Dương đã chia sẻ: “Hướng đến tính bền vững, cũng như hướng đến cộng đồng, liên minh chín công ty sẽ tại ra một hệ thống tái chế nhằm cải thiện tình trạng này tại Việt Nam. Tuy nhiên, để dự án này thành công, phải có thêm sự tham gia của cộng đồng, Chính phủ và đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây chính là lí do vì sao Coca‑Cola liên minh cùng các doanh nghiệp và hình thành PRO Việt Nam”.
Đánh giá cao sáng kiến của PRO Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện hoa cũng như thư chúc mừng tổ chức, thay mặt Chính phủ, ông mong rằng PRO VIETNAM sẽ chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực, quyết tâm phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng, an toàn. Đây không chỉ là mục tiêu của liên minh PRO Việt Nam, mà còn là hoạch định và chiến lược chung của Nhà nước trong việc tái chế rác thải, bảo vệ môi trường.
Tham gia PRO Vietnam chỉ là một bước đi mới giúp Coca‑Cola đẩy nhanh tiến độ của sáng kiến Thế Giới Không Rác Thải, trước đó Công ty đã có các chương trình và chủ động hợp tác cùng các đối tác cùng hành động vì vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.
Thông qua sự hợp tác giữa Coca‑Cola, VCCI và các doanh nghiệp, sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” đã được phát động từ năm 2018 cùng kế hoạch xây dựng một mô hình thử nghiệm về việc tái chế nhựa tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Rác thải nhựa cũng là một vấn đề tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, khi mỗi ngày, lượng rác thải gia tăng theo số người đến tham quan. Sáng kiến nâng cao nhận thức về tái chế rác thải nhựa mà Coca‑Cola đang hợp tác với UNESCO thực hiện tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An, hay Mạng lưới hành động vì rác thải nhựa hiện đang được Coca‑Cola phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) để thiết lập một mạng lưới hành động vì rác thải nhựa vững mạnh tại thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và chuyển nhận thức này thành các hoạt động thu thập, tái sử dụng và tái chế nhựa và các chất thải rắn.

(rác thải nhựa tại bờ biển, ảnh Baotainguyenmoitruong)

Hành động vì rác thải nhựa, không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, của các doanh nghiệp mà quan trọng hơn cả là hành động của cộng đồng, của 90 triệu người dân tại Việt Nam. Vì thế, các chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức về tái chế và quản lý chất thải nhựa cho học sinh và người dân địa phương được Coca‑Cola và Hội đồng Anh (British Counsel) triển khai thực hiện một cách tích cực trong những năm qua. Các hoạt động bao gồm thành lập các nhóm Lãnh đạo Xã hội tích cực nhằm phổ biến kiến thức và đào tạo về quản lý chất thải nhựa cho cộng đồng, trung tâm ý tưởng, và các cuộc thi để thúc đẩy sự sáng tạo về các sáng kiến quản lý chất thải nhựa; tổ chức các hội thảo, hoạt động sáng tạo để học sinh, sinh viên ạo ra những đồ dùng hữu ích bằng cách tái chế chai, lon.
Phát triển bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn đang được ưu tiên trên toàn cầu, từ những quốc gia đang phát triển đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tất nhiên, Việt Nam không thể là ngoại lệ. Các công ty đi đầu về phát triển bền vững như Coca‑Cola cũng đang không ngừng nỗ lực để giải quyết vấn đề chung về rác thải nhựa. Chính các giải pháp thiết thực, những liên minh hành động vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp như PRO Vietnam sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi và những bước tiến tích cực để bảo vệ môi trường, cũng như kiến tạo nên một tương lai bền vững cho những thế hệ sau.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Vietnam đã khẳng định, “PRO Việt Nam tin rằng để phát triển một doanh nghiệp bền vững, chúng tôi phải luôn có trách nhiệm với xã hội và môi trường và hướng tới một Việt Nam xanh, sạch và đẹp”.

Trên hành trình vì một xã hội phát triển bền vững và vì một Thế giới không rác thải, Coca‑Cola sẽ không còn đơn độc. Với tư cách là một thành viên của liên minh PRO Vietnam, Coca‑Cola sẽ cùng các doanh nghiệp Việt Nam hành động để “vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế”.