Doanh nghiệp FDI trên hành trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn
29-06-2020
Tại Việt Nam, thời gian qua, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung triển khai. Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp FDI đang góp phần thúc đẩy và phát triển xu hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Việt Nam với nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh đã trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư lớn của thế giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của kinh tế Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp gần 20% GDP, trong số đó, vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới công nghệ, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng suất lao động, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Với tầm nhìn chiến lược, nhiều doanh nghiệp FDI định hướng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại nước sở tại nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao uy tín thương hiệu cũng như vị thế cạnh tranh.
Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn giúp thế giới có thể tiết kiệm 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, riêng châu Âu có thể tiết kiệm 600 tỷ EUR (khoảng 660 tỷ USD) mỗi năm. Tính đến cuối năm 2018, đã có 34 quốc gia trên thế giới có bước tiến đầu tiên về luật pháp và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI đã khởi xướng các sáng kiến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Trong số đó, có thể kể đến sự ra đời Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với các thành viên sáng lập là các doanh nghiệp FDI và nội địa. Với biên bản ghi nhớ ký kết cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, PRO Việt Nam được thành lập nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu phân loại, thu gom, tái chế chất thải. Hay dự án PAN (Plastic Action Network) - Mạng lưới hành động về rác thải nhựa nhằm thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp địa phương, thanh niên và phụ nữ để thực hiện Tiết Giảm - Tái sử dụng - Tái chế rác thải nhựa trong nước. Trong khi đó, sáng kiến “Thúc đẩy Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” và dự án “Quản lý rác thải vì một thế giới không rác thải” lại tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác…
Các doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy và phát triển xu hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Được biết, những sáng kiến trên là nỗ lực thuộc chiến dịch “Vì một thế giới không rác thải” của Coca‑Cola khi theo đuổi mô hình phát triển bền vững với định hướng kinh tế tuần hoàn. Hơn 25 năm phát triển tại Việt Nam, Coca‑Cola đã tích cực đầu tư vào các sáng kiến bền vững, tiêu biểu với chiến dịch “Vì một thế giới không rác thải” được triển khai từ năm 2018 cùng lời cam kết đến năm 2030, thu gom và tái chế tương đương 100% bao bì được bán ra trên toàn cầu, sử dụng ít nhất 50% nguyên liệu tái chế trong sản xuất các lon, chai của sản phẩm, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức để nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa.
Theo đại diện hãng, chiến dịch “Vì một thế giới không rác thải” dựa trên 3 trụ cột chính là Thiết kế, Thu gom và Hợp tác. Bên cạnh các chương trình hợp tác với các đối tác như UNESCO, Greenhub, Hội đồng Anh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rác thải, Coca‑Cola cũng không ngừng cải tiến bao bì để chúng trở nên thân thiện hơn với môi trường. Doanh nghiệp này gần đây được biết đến là công ty nước giải khát đầu tiên sử dụng bao bì 100% nhựa tái chế (rPET) tại thị trường Việt Nam, với sản phẩm nước đóng chai Dasani. Ở phương diện thu gom, với vai trò là một trong những thành viên của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), Coca‑Cola đã cùng các bên thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.
Hoạt động khởi nghiệp từ rác của chị em phụ nữ Hạ Long trong dự án Mạng lưới hành động về rác thải nhựa hợp tác giữa Greenhub và Coca‑Cola
Hoạt động khởi nghiệp từ rác của chị em phụ nữ Hạ Long trong dự án Mạng lưới hành động về rác thải nhựa hợp tác giữa Greenhub và Coca‑Cola
Với nhiều hoạt động quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, Coca‑Cola cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu của mình về một thế giới không rác thải. Rộng hơn, chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” thuộc định hướng phát triển bền vững của Coca‑Cola tập trung vào 4 yếu tố chính gồm nước, phụ nữ, chất lượng sống và quản lý rác thải.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã hoan nghênh đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong việc tiên phong áp dụng các sáng kiến, cũng như truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh.
Đại diện hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cũng đánh giá cao một số doanh nghiệp FDI đã chủ động và nỗ lực nhằm lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường phát triển bền vững.